Cùng chúng tôi tìm hiểm về lịch sử ngành nhựa thế giới qua các giai đoạn chính
Lịch sử ngành nhựa thế giới qua các giai đoạn chính
Những năm 1870 – 1900
Trong quá trình tìm kiếm nguyên liệu thay thế cho ngà voi, John Hyatt, một nhà hóa học người Mỹ, đã phát triển Parkesin – hợp chất nhựa đầu tiên thành một hợp chất ổn định và mang tính ứng dụng cao hơn với tên gọi là “celluloid”. Celluloid ngay sau đó đã trở thành vật liệu được ưa chuộng do giá thành rẻ và dễ gia công, ứng dụng rất rộng rãi trong các ngành công nghiệp sản xuất đồ chơi và đồ dùng cá nhân.
Những năm 1900 – 1930
Trong giai đoạn từ 1920 – 1930, một loại nguyên liệu nhựa quan trọng được đưa vào sản xuất công nghiệp, đó chính là PolyVinyl Clorua (PVC). Lịch sử của PVC bắt đầu từ rất sớm khi ngay từ năm 1872, người ta đã tìm ra cách tổng hợp PVC từ nguyên liệu chính là Vinyl Clorua. Tuy nhiên tính ứng dụng của PVC tại thời điểm đó còn rất hạn chế do tính kém ổn định, độ cứng cao và khó gia công. Mãi đến năm 1926, sau khi tiến sĩ Waldo Semon phát minh ra phương pháp dẻo hóa, PVC mới bắt đầu được đưa vào sản xuất công nghiệp.
Ngành nhựa gia đoạn Những năm 1930 – 1990
Giai đoạn đầu những năm 1930 là giai đoạn bản lề cho sự phát triển của ngành công nghiệp nhựa hiện đại khi các nhà sản xuất đã tìm ra phương pháp để sản xuất nguyên liệu nhựa từ dầu mỏ với quy mô công nghiệp. Giai đoạn 1950 – 1960, sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, các nhà sản xuất nhựa bắt đầu tìm kiếm một thị trường mới để bán sản phẩm của mình khi nhu cầu từ chiến tranh không còn. Thị trường mới mà các nhà sản xuất hướng tới trong giai đoạn này là thị trường tiêu dùng. Các nguyên liệu nhựa trước kia dùng phục vụ chủ yếu cho chiến tranh dần biến thành những sản phẩm tiêu dùng hàng ngày. Trong những năm 60, sản lượng nhựa sản xuất toàn thế giới tăng trưởng 400%. Trong suốt những năm chiến tranh, người dân đã phải sống cùng với tiêu chí tiết kiệm tài nguyên và hạn chế tiêu dùng lãng phí. Tuy nhiên đến giai đoạn cuối những năm 1960, sự bùng nổ của ngành công nghiệp nhựa đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Các yếu tố như chi phí rẻ, sản xuất hàng loạt và dùng một lần khiến cho người dân tiêu thụ ngày một nhiều các sản phẩm nhựa nhất là các sản phẩm nhựa bao bì và đóng gói. Trong những năm 1970 - 1990, vật liệu nhựa ngày càng trở nên phổ biến hơn trong các ngành sản xuất ô tô, các thiết bị điện tử viễn thông nhờ đặc tính bền, nhẹ, chịu lực tốt và cách điện tốt.
Ngành nhựa giai đoạn Những năm 1990 - nay
Ngành công nghiệp nhựa hiện nay tuy đang tăng trưởng chậm lại và có dấu hiệu bão hòa tuy nhiên các công nghệ mới vẫn không ngừng được phát minh giúp đưa vật liệu nhựa trở thành vật liệu của tương lai điển hình như công nghệ in 3D hay công nghệ Nano.
Ngành nhựa thế giới đã trải qua 3 giai đoạn trong vòng đời phát triển của mình từ đầu những năm 1950 sau khi thay đổi định hướng sản xuất. Giai đoạn 1950 -1970 là giai đoạn phát triển nhanh của ngành nhựa thế giới, khi các sản phẩm tiêu dùng từ nhựa đã tạo ra một xu hướng tiêu dùng mới trong giai đoạn phục hồi của kinh tế sau chiến tranh thế giới thứ 2. Ngành nhựa thế giới trong giai đoạn này tăng trưởng nhanh với mức CAGR = 15% trong suốt 20 năm từ 1950 đến 1970. Sau khi chịu tác động bởi cú sốc giá dầu năm 1973, ngành nhựa thế giới đã chịu ảnh hưởng đáng kể với tốc độ tăng trưởng chậm lại đáng kể với CAGR chỉ còn 7% trong giai đoạn từ năm 1970 – 1980.
Ngành nhựa thế giới hiện nay đã bước vào giai đoạn bão hòa với việc tốc độ tăng trưởng sản lượng sản xuất và tiêu thụ giảm dần xuống xung quanh 4% từ năm 2000 – 2017. Chỉ số chất dẻo tiêu thụ bình quân đầu người của các khu vực như NAFTA, EU hay Nhật Bản đều đã ở mức cao hơn trung bình từ 200 – 300% so với mức trung bình của thế giới. Trong những năm tới tốc độ tăng trưởng của ngành nhựa thế giới được dự báo sẽ ở mức 3 – 4% với động lực tăng trưởng là các khu vực có mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người tăng trưởng nhanh như Trung Quốc và Đông Nam Á.
Xem thêm về bài viết Ngành nhựa việt nam và ngành nhựa thế giới
Nhận xét
Đăng nhận xét